Vinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.xVinaora Nivo Slider 3.x

NGÀNH KỸ THUẬT CƠ KHÍ

Ngành Kỹ thuật Cơ khí là ngành ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các loại máy móc, thiết bị hoặc vật dụng hữu ích. Như vậy cơ khí chính là một ngành chủ yếu tạo ra tư liệu lao động của con người trong thế giới hiện đại. Đại học Cần Thơ hiện đang đào tào ngành Kỹ thuật Cơ khí theo 3 chuyên ngành: Cơ khí chế tạo máy, Cơ khí ô tô và Cơ khí chế biến.

  1. Chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy

Cơ khí chế tạo máy được hiểu đơn giản như chính cái tên của nó – là ngành chế tạo ra các loại máy móc và thiết bị sản xuất. Khi nhắc tới trình độ phát triển công nghiệp của một quốc gia thì chế tạo máy chiếm một vị trí vô cùng quan trọng.

Người học Chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy tại Đại học Cần Thơ được cung cấp kiến thức về nguyên lý, cấu tạo của các hệ thống cơ khí; kiến thức về tính toán và thiết kế chi tiết cơ khí, kỹ năng thiết kế với sự trợ giúp của máy tính (CAD); kiến thức và kỹ năng về gia công cơ khí cơ khí, gia công tự động với sự trợ giúp của máy tính (CAM/CNC), kiến thức và kỹ năng lập trình tự động cho các hệ thống cơ khí (PLC). 

Những vị trí việc làm các Kỹ sư Cơ khí chế tạo máy có thể đảm nhiệm:

  • Thiết kế và lên bản vẽ các loại máy móc, thiết bị cho sản xuất như: máy sản xuất mì ăn liền, máy sản xuất bánh, kẹo, máy đóng gói, đóng chai, đóng hộp, máy thu hoạch trong nông nghiệp,
  • Thi công hoặc giám sát việc thi công và hoàn tất các máy và thiết bị sản xuất đã thiết kế.
  • Tham gia bộ phận vẽ kỹ thuật cơ khí, đòi hỏi phải có kiến thức về cơ khí, các phần mềm CAD
  • Lập trình gia công máy CNC
  • Tham gia lắp đặt các thiết bị máy móc cơ khí cho các nhà máy, công trình: Nhà máy thủy điện, nhiệt điện, xi măng, đóng tàu...
  • Tham gia công việc khai thác hệ thống sản xuất công nghiệp: vận hành, bảo trì, xử lý sự cố các thiết bị công nghiệp
  • Tham gia thiết kế các sản phẩm cơ khí, thiết bị tự động, giám sát quá trình sản xuất ra các thiết bị cơ khí đó
  • Tham gia gia công sản phẩm: tiện, phay, hàn, gia công vật liệu….
  1. Chuyên ngành Cơ khí ô tô

Cơ khí ô tô đang được Chính phủ chọn là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam để đầu tư phát triển. Việt Nam đang từng bước giảm thuế nhập khẩu xe, con số ô tô tại Việt Nam sẽ còn tăng nhiều nữa. Chính vì thế, nhu cầu lao động trong chuyên ngành cơ khí ô tô sẽ tăng rất nhanh.

Chuyên ngành Cơ khí ô tô được tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực: cơ khí, tự động hóa, điện - điện tử và công nghệ chế tạo máy, chuyên về khai thác, sử dụng và quản lý dịch vụ kỹ thuật ô tô như điều hành sản xuất phụ tùng, lắp ráp, cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng. Học chuyên ngành Cơ khí ô tô sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về cơ khí ô tô – máy động lực, hệ thống truyền động – truyền lực, cơ cấu khí, hệ thống điều khiển,… để có khả năng áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản, kỹ năng thực hành cao và các kỹ năng liên quan đến ô tô. Các môn học chuyên ngành tiêu biểu và đặc trưng của chuyên ngành Cơ khí ô tô mà sinh viên được học như: động cơ đốt trong, tính toán ô tô, hệ thống điện – điện tử ô tô, hệ thống điều khiển tự động trên ô tô, công nghệ chẩn đoán, sửa chữa và kiểm định ô tô, hệ thống an toàn và tiện nghi trên ô tô, quản lý dịch vụ ô tô,…

Những vị trí việc làm các Kỹ sư Cơ khí ô tô có thể đảm nhiệm:

  • Kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô, máy động lực tại các công ty sản xuất ô tô, các trạm đăng kiểm ô tô,...
  • Làm việc tại các doanh nghiệp ô tô, máy động lực, phụ tùng ô tô,…
  • Khai thác, sử dụng và dịch vụ kỹ thuật ô tô, cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng ô tô, sửa chữa ô tô.
  • Làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến chuyên ngành Cơ khí ô tô, trở thành nhà quản lý, chuyên gia giỏi về dịch vụ ô tô, cơ khí, chế tạo ô tô với mức thu nhập hấp dẫn và nhiều cơ hội thăng tiến.
  1. Chuyên ngành Cơ khí chế biến

Chuyên ngành Cơ khí chế biến cung cấp cho người học các kiến thức cơ khí, kỹ năng liên quan đến lĩnh vực chế biến lương thực - thực phẩm trong các khâu chế biến và bảo quản nông sản, thủy hải sản và thực phẩm góp phần phát triển bền vững nền nông nghiệp nước ta nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Người học chuyên ngành cơ khí chế biến sẽ được cung cấp các kiến thức về nguyên lý, cấu tạo các chi tiết, kết cấu các hệ thống của các thiết bị máy liên quan đến chế biến lương thực - thực phẩm, kiến thức về tính toán và thiết kế các chi tiết máy, các bộ phận, máy chế biến lương thực - thực phẩm, kiến thức về các quá trình và thiết bị nhiệt, thiết bị lạnh; quá trình và thiết bị chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, kiến thức về phân tích, khắc phục được các hư hỏng trong quá trình hoạt động các máy và dây chuyền chế biến, kiến thức về quản lý và qui hoạch dây chuyền sản xuất trong các xí nghiệp, nhà máy,…

Những vị trí việc làm các Kỹ sư Cơ khí chế biến có thể đảm nhiệm:

  • Làm việc tại các công ty, nhà máy sản xuất và chế biến lương thực - thực phẩm cũng như các công ty, xí nghiệp liên quan thiết bị cơ khí.
  • Kỹ sư vận hành, bảo dưỡng, chẩn đoán, sửa chữa và thiết kế - chế tạo các loại máy chế biến lương thực - thực phẩm
  • Nghiên cứu, cải tiến các hệ thống máy chế biến lương thực - thực phẩm
  • Đánh giá và xây dựng các quy trình công nghệ chế biến ở các nhà máy
  • Quản lý và kinh doanh dịch vụ
  1. Môi trường làm việc của Kỹ sư Cơ khí
  • Thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị máy móc nếu bạn làm ở vị trí sản xuất, bảo dưỡng thiết bị.
  • Nếu chuyên về thiết kế, bạn sẽ làm việc trong môi trường sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi: phòng kỹ thuật, phòng dự án...
  • Nếu bạn làm trong môi trường sản xuất, thì thường phải tiếp xúc với các máy móc, sắt thép, dầu nhớt,… và kể cả tiếng ồn.
  • Với tính chất của công việc thì bạn thường phải làm việc theo nhóm và theo tổ, ca, kíp.
  1. Những tố chất cần thiết cho người Kỹ sư Cơ khí
  • Là Kỹ sư Cơ khí bạn cần phải có sự đam mê với công việc, với ngành nghề mà bạn đã lựa chọn
  • Có tư duy sáng tạo, tư duy logic
  • Có sức khỏe tốt

 

Số lượt truy cập

6722926
Hôm nay
955